Làm gì sau khi chết


Xử Lý Xác Chết

Bạn nên làm theo những hướng dẫn đúng với truyền thống văn hóa của bạn trong việc xử lý xác chết. Như tôi đã đề cập, truyền thống Tây Tạng khuyến nghị không nên động vào xác chết trong khoảng thời gian càng lâu càng tốt sau khi chết, cũng không nên dịch chuyển. Nếu có thể, hãy cố gắng để xác chết ở nơi đó trong ba ngày, hay ít nhất vài giờ. Nhưng vì điều này khá khó khăn để thực hiện trong xã hội hiện đại, bạn chỉ có thể để cái xác một mình từ khoảng một đến hai tiếng. Nếu chỉ được như vậy, cũng đừng hoảng sợ. Bạn chỉ cần làm hết sức mình để cơ thể không bị ảnh hưởng nhất trong điều kiện thực tế.

Mọi người thường hỏi tại sao không nên đụng chạm vào xác chết. Trong khi còn sống, Tâm trí của bạn dính mắc vào cơ thể hơn bất cứ điều gì khác trên thế giới. Khi xảy ra va chạm trên trên đường phố, bạn có thể phản ứng bằng cách nói điều gì đó với người va vào bạn vì bạn còn sống. Nhưng khi một người đã chết, người sống không có cách nào biết được người chết có thể phản ứng mạnh mẽ như thế nào nếu cơ thể họ bị đụng chạm vào. Và đối với người chết, việc xử lý cơ thể cũ của họ có thể là việc cực kỳ quấy rối.

Theo Mật Điển, sự phóng chiếu của Tâm khi chết và sau khi chết sẽ tích cực hơn nếu ý thức của bạn rời khỏi thể xác ở phần trên – lý tưởng nhất là ở đỉnh đầu, luân xa vương miện. Đây là lý do tại sao truyền thống Tây Tạng khuyến cáo rằng nửa phần dưới của xác chết không được chạm vào và mọi người không nên ngồi hoặc đứng gần phía đó. Người thân và bạn bè nên đứng gần phía đầu xác chết và lệch sang một bên, không đứng ngay phía trước. Đây cũng là lý do vì sao các vị Thầy Tây Tạng khuyên bạn nên chạm vào đỉnh đầu của người chết trước khi bất kỳ ai khác chạm vào cơ thể.

Nếu gia đình người chết có tư tưởng cởi mở, bạn có thể đề nghị đặt tagdrol lên xác chết – nhưng đây chỉ là gợi ý, không nhất thiết là ‘phải’ thực hiện.

Tagdrol

‘Tagdrol’ là phương pháp ‘giải thoát nhờ xúc chạm’36. Nó thường được thực hiện bởi người sống – nhiều người luôn giữ tagdrol bên mình như một vật bảo hộ khi họ còn.Nếu bạn quan tâm đến việc áp dụng phương pháp này, bạn sẽ tìm thấy tất cả thông tin cần thiết ở trang 302. Hình ảnh của luân xa tagdrol cho bạn sao chép và nhận gia trì ở trang 301.

Đặt tagdrol trên một xác chết sẽ có lợi ích tốt nếu bạn có lòng sùng tín và niềm tin thật sự vào phương pháp này. Nhưng ngay cả khi người chết không tin vào điều đó hoặc chống đối tâm linh một cách hung hăng, nếu người đặt tagdrol lên xác chết thực hiện việc này với động cơ đầy yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ Đề Tâm thì vẫn sẽ có hiệu quả tốt.

Đọc hướng dẫn của Bardo

Theo truyền thống, người Tây Tạng hướng dẫn người chết bằng cách đọc các chỉ dẫn từ Đại Giải Thoát Nhờ Lắng Nghe Trong Bardo và các văn bản tương tự. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người chết không tin vào việc có cuộc sống sau khi chết, hoặc thiên đường và địa ngục, hay cả một trạng thái bardo? Liệu việc đọc các hướng dẫn bardo truyền thống thành tiếng vẫn tạo ra sự khác biệt?

Khi còn sống, không ai trong chúng ta có thể chứng minh một cách khoa học hay kết luận rằng chúng ta sẽ trải nghiệm các bardo sau khi chết. Nhưng chúng tôi cũng không thể chứng minh mình thắng cuộc. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một người bị thuyết phục rằng không có chuyện thức dậy sau khi chết, hay bị vây quanh bởi những linh kiến hãi hùng như được mô tả trong sách này. Vậy thì, thậm chí một gợi ý nhỏ nhất về nơi họ đang ở và những gì họ nên làm đều sẽ chẳng được hoan nghênh? Nhưng dù cho họ đã tin hay không tin vào bất kể điều gì trong cuộc sống, người sắp chết sẽ không có gì để mất mà còn có thể đạt được mọi thứ nhờ việc lắng nghe những chỉ dẫn này.

Dù bạn chết như thế nào (dữ dội hay yên bình), dù bạn chết ở đâu (trong bệnh viện, tại nhà hay trên đường phố) và dù bạn chết ở bất kỳ độ tuổi nào (ở tuổi 90 hay 19), một số điều trong các chỉ dẫn này ở giai đoạn cận tử, chết và sau khi chết sẽ hữu ích cho bạn – nếu một phần không hữu ích, thì phần khác sẽ hỗ trợ bạn. Đây là lý do vì sao chúng tôi đọc các hướng dẫn nhiều lần. Người sắp chết có thể sẽ không nhận được nó ngay lần đầu tiên hay lần thứ hai, nhưng cuối cùng họ sẽ nhận được. Và trừ khi bạn là đấng Giác Ngộ thì bạn mới biết chính xác phải làm gì và nên làm điều đó khi nào, chúng ta là những người bình phàm và chỉ có thể dựa vào những lời khuyên tổng quát này làm chỉ dẫn.

Nghi Lễ Và Thực Hành Cho Người Chết

Truyền thống Tây Tạng gợi ý rằng thời gian tốt nhất để giúp đỡ người chết và thực hiện các hoạt động nhân danh họ là trong vòng bốn mươi chín ngày đầu sau khi chết.

Nếu người chết là người thân, hoặc bạn tốt và đặc biệt nếu họ là Pháp hữu, điều quan trọng bạn cần làm là:

– Cúng dường lên chư Phật và Bồ Tát.

– Tài trợ các nghi lễ thay mặt họ.

– Trì tụng chân ngôn, và

– Chính bạn hãy tiến hành các nghi lễ cho họ.

Nếu bạn là một hành giả Kim Cương Thừa và đã nhận được những quán đảnh thích hợp, điều đặc biệt quan trọng là bạn hãy thực hiện bất kỳ nghi thức Kim Cương Thừa nào bạn quen thuộc cho người chết hoặc sắp chết – ví dụ, Đức Hồng Quan Âm Như Lai và Đức A Súc Bệ Phật.

Bạn cũng có thể cúng dường ánh sáng nhân danh người chết tại những nơi linh thiêng như Bồ Đề Đạo Tràng. Nếu muốn, bạn có thể dâng hương hoặc hoa, v.v…

Bạn cũng có thể:

– Thực hành phóng sinh (xem trang 287).

– Cúng dường ánh sáng từ đèn bơ hoặc nến.

– Phát nguyện ăn chay, lý tưởng nhất là cả cuộc đời, hoặc ít nhất trong một khoảng thời gian cụ thể.

– Ủy thác, mua hoặc xây dựng tôn tượng hoặc vẽ tranh của Đức Phật À Di Đà hay Phật Mẫu Tara Tôn Quý.

– Xây dựng một ngôi Chùa.

Nếu bạn muốn, khi đọc hướng dẫn, bạn hãy bao gồm tên của những người chết khác mà bạn nghĩ có thể được lợi lạc từ những thông tin này.

Phowa

Người Tây Tạng thường yêu cầu một Lạt Ma hoặc một tu sĩ nam hay nữ tiến hành phowa cho người vừa qua đời. Nhưng liệu nghi lễ phowa có giúp được gì không nếu người chết không phải là người thực hành tâm linh?

Giáo huấn Kim cương thừa nói rằng phương pháp phowa theo Mật điển có thể giúp người chết cho dù họ có thực hành tâm linh hay không, nhưng nghi thức sẽ có nhiều sức mạnh hơn nếu người chủ trì buổi lễ có sự xác quyết và niềm tin mạnh mẽ vào thực hành. Nếu bạn là một Phật Tử, việc bạn tỏ ra lo lắng cho sự an lành về mặt tinh thần của người chết và sẵn sàng tổ chức các nghi lễ và thực hành vì lợi ích của họ, điều này cho thấy họ có mối liên hệ với con đường này – vì vậy hãy sử dụng kết nối đó.

Không có lý do gì lại không nên tiến hành các nghi lễ như vậy dưới hình thức ẩn danh. Trợ giúp ẩn danh thường là việc tốt nhất. Ngày nay, tiền được trao cho các tổ chức và hội từ thiện để chuyển cho người nghèo, những người thậm chí hiếm khi biết danh tính ân nhân của họ, nói chi đến việc gặp gỡ.

Cúng Sur

Theo truyền thống, Sur được thực hiện mỗi ngày trong ba ngày sau khi chết, hoặc trong một tuần, hoặc tốt nhất, mỗi ngày trong bốn mươi chín ngày (xem trang 202).

Thực Hành Phóng Sinh

Phật Tử thực hành hai loại tích lũy: tích lũy Công Đức và tích lũy Trí Tuệ. Công Đức được tích lũy thông qua các thực hành như bố thí, trì giới, tinh tấn, v.v…; và Trí Tuệ được tích lũy thông qua thực hành thiền định và các hoạt động như lắng nghe và suy niệm. Điều này nghĩa là trong sáu Ba La Mật, có ba cách để tích lũy Công Đức, hai cách để tích lũy Trí Tuệ và cả hai loại tích lũy đều đòi hỏi Ba La Mật từ thực hành Nhẫn Nhục.

Sự tích lũy Trí Tuệ và Công Đức phụ thuộc lẫn nhau và không thể thiếu trên con đường của Đạo Phật. Chẳng hạn, ở cấp độ trần tục nhất, nếu không có Công Đức [phước báu], chúng ta sẽ thiếu phương tiện để nghe, nghiên cứu và chiêm nghiệm Phật Pháp; và nếu không có Trí Tuệ thì ta chỉ có thể tích lũy Công Đức [phước báu] trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nếu bạn thiếu Trí Tuệ, bạn sẽ không bao giờ có thể biến một lễ vật khá bình thường – chẳng hạn như một cánh hoa sen duy nhất – thành một phẩm cúng giúp tích lũy lượng công đức nhiều vô biên. Do đó, Công Đức và Trí Tuệ đi đôi với nhau.

Công đức thường được phân thành hai loại, công đức ‘hoen ố’ và công đức ‘không hoen ố’. Công đức hoen ố là công đức bạn tích lũy được nhưng còn nằm trong ranh giới của cảm xúc và Tâm phân biệt. Công đức không hoen ố được tích lũy khi các hoạt động tạo công đức của bạn đi kèm với sự hiểu biết về Tánh Không.

Phóng sinh là một trong nhiều hoạt động tích lũy công đức hoen ố hay gọi là công đức ‘thông thường’. Thực hành phóng sinh khi chúng ta giải cứu chúng sinh thoát khỏi cái chết chắc chắn xảy đến. Bạn có thể, ví dụ, mua cá sống vừa mới bị đánh bắt và thả chúng trở lại sông hoặc biển; hoặc mua tất cả những con gà tây sắp bị giết cho ngày Lễ Tạ Ơn. Cứu sống những sinh mệnh như vậy được cho là tích lũy loại công đức lớn lao nhất trong thể loại công đức thông thường.

Phóng sinh được thực hiện trên khắp châu Á và nhiều nghi lễ khác nhau đã được phát triển để kết hợp cùng quá trình phóng sinh, ví dụ Pháp thực hành trước tác bởi Ngài Jamyang Khyentse Wangpo – Tăng trưởng Thọ Mệnh và Thịnh Vượng: Phương Pháp Phóng Sinh (xem trang 287).

Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải thực hiện nghi lễ hay đọc một nghi quỹ. Đơn giản là bạn đã cứu mạng sống của những sinh vật sắp bị giết chết và hiến dâng công đức đó cho sự Giác Ngộ của tất cả chúng sinh.

Làm Tsatsas

Tsatsas là mô hình nhỏ của chư Phật và Bảo Tháp làm bằng đất sét, thường được đóng từ khuôn và có thể được tìm thấy rải rác xung quanh các Bảo Tháp cổ. Trên thực tế, Bảo Tháp là phiên bản quy mô lớn của tsatsas và cũng thường được lấp đầy bên trong bằng nhiều thứ khác, tsatsas thì nhỏ hơn nhiều. Ở Ấn Độ và Tây Tạng thời cổ đại, thực hành làm tsatsas từ tro cốt của cơ thể đã hỏa táng được khuyến khích mạnh mẽ. Giống như tagdrol, thực hành này có kết quả tốt nhất nếu người thực hiện tsatsas có lòng sùng tín với phương pháp. Và một lần nữa, phương pháp này chỉ là một gợi ý, không bắt buộc ‘phải’ thực hiện.

Tsatsa đại diện cho Tâm Phật hay nhục kế của Đức Phật, và thực hành tạo ra tsatsas – quá trình nhào nặn đất sét, ép vào khuôn, nung đất sét trong lò, vẽ , v.v. – cũng là quá trình công đức được tích lũy. Về cơ bản, mặc dù nó không phải xếp đầu tiên trong danh sách những việc cần làm nhất của một hành giả thời hiện đại, nhưng nỗ lực để tạo ra tsatsa chính là một thực hành tâm linh chân thật. Ngày nay, nếu các hành giả thực hiện tsatsa, họ có xu hướng sử dụng công nghệ để tiết kiệm sức lực thay vì ép đất sét vào khuôn bằng tay – điều này, tôi cho rằng vẫn tốt hơn là không làm gì cả.

Một trong nhiều lý do khiến làm tsatsa trở thành một thực hành tốt như vậy là vì việc này không dễ để khoe khoang. Một điều nữa là tsatsa không thể dùng để làm tăng sự thoải mái và niềm vui cá nhân hay để đạt được thứ gì đó. Ít có khả năng bạn sẽ trở thành con mồi của chủ nghĩa vật chất tâm linh thông qua việc tạo ra tsatsa so với việc xây dựng một ngôi Chùa. Đáng buồn thay, các ngôi Chùa có quá nhiều công dụng thực tế. Chùa cung cấp nơi trú ẩn khỏi trời mưa hay nắng, và thường được sử dụng làm khách sạn hoặc địa điểm du lịch – đây có thể là hình thức cao nhất của chủ nghĩa vật chất tâm linh. Nhưng không có nhiều điều bạn có thể làm với tsatsa khi chúng được tạo thành. Bạn không thể kiếm lợi nhuận từ tsatsa, sống với tsatsa, ăn, hoặc đem khoe tsatsa, chúng không có công dụng thực tế và việc làm ra tsatsa không khơi dậy tính kiêu mạn, ghen tỵ hay cạnh tranh ở người khác. Việc cúng dường nước cũng vậy. Không có ai ghen tỵ khi bạn cúng dường những chén nước, trong khi đó, họ có thể cảm thấy ganh tỵ nếu bạn cúng dường một chiếc ví đầy vàng hoặc bạc. Lời khuyên về cách làm tsatsa được trình bày ở trang 309.

Con người thời hiện đại hiếm khi vui mừng với những gì người khác có thể cúng dường. Thường thấy là, việc cúng dường rộng rãi phải gánh chịu đủ mọi phán xét. Những người dâng cúng theo cách này thường bị lên án và thậm chí chế nhạo vì nó rất dễ dàng với người giàu có – là những người có rất nhiều nên họ cho đi cũng nhiều. Và những người có tính cạnh tranh luôn muốn sự cúng dường của họ vượt trội hơn tất cả những người khác. Con người có thể trở nên rất nhỏ mọn và hẹp hòi.

Tưởng Niệm

Hầu hết các nền văn hóa phương Tây đã phát triển truyền thống của riêng họ để tưởng niệm và nhớ nghĩ đến người chết. Ví dụ, phần lớn ở Châu Âu, người chết được an nghỉ trong những nghĩa địa tuyệt đẹp bên dưới những ngôi mộ được chạm khắc công phu, gia đình và bạn bè sau đó có thể đến thăm khi họ muốn nghĩ về những người thân yêu và dâng tặng hoa.

Tôi được kể rằng, một số người lưu giữ tro cốt của người thân yêu đã chết trong một chiếc bình và đặt ngay tại nhà. Một trong những cách tưởng nhớ nổi tiếng nhất là đền Taj Mahal ở Ấn Độ, được xây dựng bởi Hoàng đế Mughal dành cho người vợ đầu tiên của ông.

Tùy bạn có muốn tưởng nhớ người thân theo truyền thống văn hóa riêng của bạn hay không. Nhưng nếu muốn tiến hành theo truyền thống Phật Giáo, bạn có thể đặt làm tượng Phật và Bồ Tát nhân danh người chết, hoặc in và lồng khung một bức ảnh của vị Phật, hoặc vẽ một bức tranh – tùy chọn hình thức nào phù hợp với khả năng của bạn. Những người Phật Tử có xu hướng đặt vẽ những bức tranh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà [Sukhavati], hay Cõi Núi Huy Hoàng Màu Đồng của Đức Liên Hoa Sinh, hoặc là Đức Phật ASúc Bệ. Việc đặt làm những tác phẩm nghệ thuật linh thiêng phục vụ cho hai mục đích: vừa là cách tưởng nhớ tuyệt vời về người chết và cũng là cách giúp tích lũy công đức.

Trao Tặng Tài Vật Của Người Đã Chết

Sau khi một Phật Tử đã chết, cố gắng không đụng chạm đến đồ đạc của họ trong ba ngày. Nếu người thân của họ đồng ý, mọi thứ nên được cúng dường cho Tam Bảo – Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn, cho những nỗ lực có tính chất nhân ái, cho các tổ chức hoạt động để bảo vệ môi trường, cho các tổ chức đang nỗ lực xóa bỏ mại dâm và lao động trẻ em, hay bất kỳ điều gì gần gũi với Tâm nguyện của người chết. Truyền thống Phật Giáo phân hoạt động dâng cúng thành hai phạm vi công đức: Chư Phật, Bồ Tát và những bậc siêu phàm; và chúng sinh hữu tình ví dụ như người, động vật, v.v…Lý tưởng nhất là thực hiện dâng cúng, trao tặng cho những đối tượng thuộc cả hai phạm vi.

Mặc dù hình thức này đã gần tàn lụi, nó vẫn còn được thực hiện tại một số vùng phía Đông Bhutan, tức là xác chết được một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thông báo trước khi bất kỳ đồ đạc nào của họ được trao đi: “Hôm nay, tôi sẽ trao tặng cái cốc của bạn cho Tu Viện trong vùng” hoặc “Cây bút của bạn sẽ được tôi tặng lại cho trường học địa phương”. Đây là một ý tưởng tốt. Thực hành này rất đáng xem xét.

Nếu vì bất kỳ lý do nào khiến cái xác không còn nữa, hãy viết cho người chết một lá thư, nói cho họ biết những gì bạn định làm, sau đó để trên bàn của họ trong một hoặc hai ngày, đặt trên ghế bành hay bất cứ nơi nào họ thích ngồi.

Hoàn Trả Nợ Nghiệp

Những chúng sinh mê mờ, vô minh như bạn và tôi đều bị nghiệp chi phối và do đó, sẽ là nạn nhân của những món nợ nghiệp. Tất cả mọi thứ xảy ra với chúng ta trong cuộc sống và khi chết – những thành công, thất bại, thậm chí cả cách chúng ta chết – đều xảy ra như là kết quả của các khoản nợ nghiệp. Về cơ bản, nguyên nhân và điều kiện [nhân và duyên] sai khiến chúng ta làm mọi thứ. Vì vậy, một trong những hoạt động chúng ta có thể khởi xướng thay cho người thân yêu đã chết là một nghi lễ thanh toán nợ nghiệp.

‘Nợ Nghiệp’ là gì? Trên giấy tờ, bạn sở hữu một căn hộ, một chiếc xe hơi, một cái tủ đầy quần áo và các phụ kiện đắt tiền. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi thứ bạn sở hữu được mua bằng tiền vay, thì chính xác là những của cải vật chất của bạn đều thuộc về ngân hàng. Nợ Nghiệp cũng định nghĩa theo cách tương tự. Tất cả mọi thứ chúng ta đang là – những hoàn cảnh trong cuộc sống, sức khỏe, sự giàu có và thậm chí cả ngoại hình của chúng ta, đều dựa trên mối tương tác với nhiều người khác trong vô số kiếp sống. Giáo lý Đạo Phật nói rằng chúng ta mắc những món nợ về nghiệp đối với tất cả mọi người. Mỗi một chúng sinh, có ít nhất một lần đã là cha, mẹ, con, người giúp việc, người lái xe, ngựa hoặc lừa mà chúng ta đã cưỡi, có thể là người bạn thân nhất hay cả kẻ thù tồi tệ nhất của ta.

Khi đọc cuốn sách này, bạn có thể đang ngồi ở chỗ thuộc về một hồn ma. Bạn đã xin phép hồn ma để ngồi ở đó chưa? Chúng ta xây dựng những ngôi nhà nhưng không hề nghĩ lại về hậu quả của việc nhiều loài động vật sẽ bị đuổi ra khỏi nhà của chúng. Chúng ta có những khoản nợ không thể trả nổi đối với những vị thầy, y tá, bác sĩ, các nhà lãnh đạo và các quốc gia, nợ lực lượng cảnh sát đã canh giữ chúng ta được an toàn và đưa những kẻ trộm cắp, làm tổn thương chúng ta ra công lý. Một số người không phải trả thuế theo nguyên tắc, nhưng họ được hưởng lợi từ nền an ninh mà đất nước cung cấp để có cuộc sống thoải mái và an toàn. Nếu bạn là một trong những người đó, bạn nợ hệ thống xã hội của đất nước nhiều hơn so với những người tham gia đóng thuế. Tất cả những khoản nợ nghiệp này là lý do chúng ta trải qua các cơn bệnh tật, những mối thù hận trong gia đình và những thất bại. Và bởi vì tất cả chúng ta đều phải chịu gánh nặng của một khoản nợ khổng lồ, chúng ta gần như không kiểm soát được những gì mình hành động, suy nghĩ, có được, cũng như cách chúng ta đang sống. Hôm nay bạn có thể khỏe mạnh, tươi sáng và tràn đầy năng lượng, nhưng trong tích tắc, một tai nạn ngu ngốc có thể quét sạch tất cả sức khỏe và năng lượng của bạn mãi mãi.

Có loại thuốc giải nào cho những món nợ nghiệp không? – Có. Một thuốc giải tổng thể nhưng rất hữu hiệu, đó là tạo nghiệp tốt. Có vô lượng phương pháp để tạo và tích lũy nghiệp tốt, từ việc quyên góp một xu cho chương trình sinh thái thế giới, đến tình nguyện dạy toán cho những đứa trẻ là nạn nhân của các vụ mại dâm trẻ em ở Campuchia. Nhưng theo giáo lý của Đạo Phật, phương thuốc tốt nhất cho những món nợ nghiệp là thực hành Phật Pháp. Hãy Quy Y, phát những Giới Nguyện Bồ Tát và thực hành Bồ Đề Tâm. Bạn cũng có thể thực hành tonglen: khi bạn thở ra, hãy trao tặng mọi thứ tốt đẹp cho người khác và khi bạn hít vào, hãy ôm hết vào mình mọi điều xấu (trang 277). Và luôn luôn dâng hiến công đức bạn tích lũy được cho sự Giác Ngộ của tất cả chúng sinh.

Nếu có thể, bạn cũng nên trao tặng cho chúng sinh những trợ giúp thiết thực. Xây dựng Bảo Tháp và tượng Phật; hỗ trợ những người học và thực hành Phật Pháp; và làm cho Phật Pháp trở nên dễ tiếp cận với nhiều người nhất ở mức có thể. Đây là những phương pháp vô cùng mạnh mẽ để quét sạch những món nợ nghiệp của bạn.

Nếu là hành giả Kim Cương Thừa đã nhận những quán đảnh và giáo huấn cần thiết, bạn có thể thử những phương pháp tốt hơn giúp tiêu trừ những món nợ nghiệp như Lễ cúng Sur (trang 202), Lễ cúng Sang và cúng dường Nước (trang 282).

• Nghi Quỹ Cúng Dường Khói Núi Lhatsün Namkha Jikmé (Riwö Sangchö) được trước tác bởi Dudjom Rinpoche có thể tại về tại: www.lotsawahouse.org/tibetanmasters/lhatsun-namkha-jigme/riwo-sangcho Tất cả những hoạt động đức hạnh này đều rất quan trọng.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Trích nguồn: Sống là dần chết

Leave A Reply

Your email address will not be published.

Send this to a friend